POST ITEM

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bị phạt tới 2 tỷ đồng (24-04-2024)

Chính phủ ban hành Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là 2 tỷ đồng.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bị phạt tới 2 tỷ đồng

Ảnh minh họa

Cụ thể, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ đã quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, hình thức xử phạt bổ sung, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản bị phạt tiền từ 5-200 triệu đồng. Hành vi vi phạm quy định về quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị phạt từ 10-200 triệu đồng. Hành vi vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn biển bị phạt từ 50-200 triệu đồng. Hành vi vi phạm quy định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bị phạt tiền từ 2-50 triệu đồng.

Đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản; không tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thủy sản bị phạt tiền từ 150-200 triệu đồng.

Đối với quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm, Nghị định 38 đã quy định phạt tiền từ 70-90 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thuỷ sản hoặc khu vực cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với vi phạm quy định về giống thủy sản, Nghị định 38 quy định phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc chưa được công nhận hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể phạt tới 2 tỷ đồng với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

Dưới đây là các mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là 1 tỷ đồng. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (1) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; (2) Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn; (3) Sử dụng tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn; (4) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực; (5) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực; (6) Khai thác thủy sản không đúng quy định tại vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực; (7) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm; (8) Khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép trong trường hợp tái phạm.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thủy sản khai thác; Tịch thu tàu cá; Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá; Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chủ tàu cá chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của quốc gia ven biển có thẩm quyền hoặc tổ chức nghề cá khu vực. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu trái phép loài thủy sản không đáp ứng điều kiện trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu lô hàng; Đình chỉ hoạt động xuất khẩu từ 06 tháng đến 12 tháng vào thị trường có yêu cầu đối với hành vi vi phạm quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tàu nước ngoài (trừ tàu Công ten nơ) vận chuyển thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh vào Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt hành chính tới 2 tỷ đồng

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ; Cục trưởng Cục An ninh kinh tế; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục trưởng Cục An ninh nội địa; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng; Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và các điểm a, d và đ khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và các điểm d, đ và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và các điểm a, d, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục trưởng Cục Thủy sản; Cục trưởng Cục Thú y; Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và các điểm a, b, d, đ, e, và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và các điểm a, b và d khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.