Sau gần 6 năm chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được những kết quả qua đợt thanh tra lần thứ 3 của EC (vào tháng 10/2022). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, triệt để theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 như: Thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU còn chưa quyết liệt, đồng đều giữa các địa phương; đặc biệt, vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài….. Phía EC đã khẳng định sẽ không xem xét gỡ “thẻ vàng” nếu tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại “Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU”, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4; trong thời gian tới UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần tập trung mọi nguồn lực thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 81/QĐ-TTg, Công điện số 265/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, từ nay đến tháng 10/2023 sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm, như:
Thực hiện các biện pháp mạnh không để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân của địa phương vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, đảm bảo thực hiện đúng quy định bật thiết bị VMS khi tham gia khai thác hải sản; chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong thi hành công vụ, điều tra, xác minh, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm khai thác IUU; trong đó tập trung xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về VMS, tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đảm bảo tăng số lượng các vụ việc xác minh, xử lý.
Tổ chức thực hiện nghiêm quy định quản lý tàu cá, hoàn thành 100% đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản; cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), số liệu đảm bảo thống nhất tại báo cáo của địa phương và trên VNFishbase.
Kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xuất/nhập bến; giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; đảm bảo 100% tàu cá cập cảng chỉ định, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương.
Tuân thủ nghiêm quy định về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, từ nay đến tháng 10/2023, trước khi Đoàn thanh tra của EC sang, cần hoàn thiện dứt điểm hai văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Với các tỉnh, thành phố có tàu cá khai thác trên biển cần có số liệu cụ thể về việc lắp đặt hay ngắt kết nối thiết bị VMS; từ đó có những biện pháp mạnh tay để xử lý vi phạm. Thực hiện nghiêm túc công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; nghiêm cấm các hành vi hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu… Chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa phải xử lý dứt điểm 2 tàu cá nhập khẩu theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 trước khi Đoàn thanh tra của EC sang thanh tra lần thứ 4.
“Chúng ta cần phải nghiêm túc xử lý, để lúc EC sang thanh tra họ thấy rằng Việt Nam đã thực sự cầu thị, thực sự hành động”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nguồn: https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/tin-t%E1%BB%A9c/-tin-v%E1%BA%AFn/doc-tin/019587/2023-09-06/tap-trung-hanh-dong-som-go-the-vang-iuu