POST ITEM

Phát triển bền vững ngành thủy sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Thời gian qua, khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố Vũng Tàu, tạo việc làm cho nhiều lao động, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ phục vụ cho các hoạt động thủy sản của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống dân cư. Với định hướng phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Thành phố đang đẩy mạnh khai thác thủy sản vùng khơi, tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng đồng thời đa dạng hoá sản phẩm chế biến hải sản.

Với 3 mặt giáp biển, diện tích mặt nước lớn, đã tạo cho thành phố Vũng Tàu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế biển trong đó có ngành thủy sản. Trong chặng đường phát triển 30 năm qua, mặc dù chỉ đứng thứ 3 trong cơ cấu phát triển của thành phố, nhưng ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của thành phố đạt mức tăng trưởng cao, phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả đồng thời góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân ven biển, đảo. Bên cạnh đó, sự hiện diện dân sự của tàu thuyền khai thác hải sản trên biển đã đóng góp vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Thành phố Vũng Tàu là một trong những địa phương có năng lực khai thác lớn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chiếm hơn 40% về số lượng và 37% tổng công suất của tàu khai thác thủy sản. Đội tàu khai thác của Thành phố đứng đầu về số lượng, xếp thứ 2 sau huyện Long Điền về tổng công suất. Riêng về sản lượng khai thác, thành phố Vũng Tàu đóng góp đến 54,2% tổng sản lượng so với cả tỉnh. Năm 2022, sản lượng khai thác đạt trên 200.000 tấn tôm, cá các loại; giá trị khai thác hải sản năm 2022 đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Ngành thuỷ sản Vũng Tàu cũng là một trong những ngành đi đầu trong việc đầu tư, trang bị máy móc theo hướng hiện đại. Đến nay toàn thành phố có 2.183 chiếc, trong đó có 840 tàu có chiều dài lớn hơn 15m khai thác xa bờ chiếm hơn 38% số lượng tàu khai thác thủy sản. Số lao động tham gia trong lĩnh vực này lên đến gần 12.000 người. Cùng với các ngành kinh tế khác, thuỷ sản đã và đang đóng góp một phần đáng kể vào GDP của thành phố, đồng thời tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và các tỉnh bạn. Để phát triển khai thác theo hướng bền vững, đội tàu của thành phố đã được sắp xếp, củng cố lại với việc đầu tư hỗ trợ trang thiết bị hiện đại thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước và nguồn vốn tự có của ngư dân. Kết hợp với đó, Thành phố đang quy hoạch lại ngành nghề khai thác, theo hướng giảm số lượng tàu nhỏ hơn hoặc bằng 20 CV đánh bắt ven bờ, khuyến khích đóng mới tàu cá công xuất lớn, đánh bắt xa bờ, duy trì và tiến tới giảm dẫn số lượng tàu hành nghề lưới kéo …Tổng kinh phí hỗ trợ khai thác trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg với trên 80 tỷ đồng mỗi năm cho trên 250 tàu cá đăng ký khai thác, dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa.

Cùng với khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản đem lại nhiều giá trị cho ngành thủy sản địa phương. Với tiềm năng diện tích nuôi trồng khoảng 3.300 ha, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, cá lồng bè, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Sản lượng thủy sản duy trì 4.500 – 5.000 tấn/ năm, đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát triển lương thực quốc gia và tạo sản phẩm giá trị cho người tiêu dùng, nâng cao cuộc sống cho người nuôi. Trong giai đoạn 2015 – 2021 và các năm tiếp theo, thành phố đang tập trung quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, tổ chức sắp xếp ổn định vụ nuôi đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và an toàn môi trường khu vực nuôi. Chuyển đổi giống, loài nuôi thủy sản lồng bè theo hướng tăng giá trị sản xuất.

Với nguồn nguyên liệu dồi dào từ khai thác và nuôi trồng, ngành công nghiệp chế biến hải sản cũng đang phát triển rất nhanh. Các cơ sở sản xuất không ngừng được gia tăng, đầu tư, đổi mới và đã tiếp cận với trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến của khu vực và thế giới trong một số mặt hàng chế biến thuỷ sản. Sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh cao, tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới. Từ chỗ, chỉ có 06 nhà máy, chế biến đơn thuần các mặt hàng truyền thống như tôm, mực, cá  nguyên con…sản lượng chế biến xuất khẩu thấp khoảng trên 2.000 tấn vào năm 1991. Với tinh thần tự lực phấn đấu vươn lên, liên tục mở rộng qui mô và thay đổi công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, đến nay trên địa bàn thành phố hiện có 88 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản. Trong đó có 42 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP với tổng công suất trên 100.000 tấn thành phẩm/năm, trong số này có 28 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (EU) và hầu hết các cơ sở còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc, Brazin, Nga… góp phần quan trọng trong giải quyết nguồn nguyên liệu và công ăn việc làm tại địa phương. Giá trị sản xuất ngành đạt trên 10 triệu USD/năm.

Định hướng phát triển của ngành thủy sản thành phố tới năm 2030 là phát triển khai thác phải đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái trên nguyên tắc phát triển bền vững, chú trọng đến hiệu quả kinh tế, không chạy theo sản lượng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác. Phát triển khai thác gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển. Cụ thể, đối với khai thác xa bờ sẽ tập trung khai thác hải sản xa bờ theo chiến lược phát triển kinh tế biển đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá để giảm tổn thất sau thu hoạch, xây dựng mô hình quản lý khai thác thủy sản ven bờ dựa vào cộng đồng nhằm bảo vệ, khôi phục và tái tạo nguồn lợi thủy sản, nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Đối với nuôi trồng thủy sản, Thành phố sẽ sắp xếp quy hoạch nuôi trồng thủy sản gắn với yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, bảo vệ cảnh quan môi trường, tập trung phát triển các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao. Về chế biến hải sản, Thành phố tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở chế biến hải sản ra khỏi địa bàn thành phố Vũng Tàu, sắp xếp, bố trí các cơ sở chế biến hải sản tinh vào khu Chế biến hải sản tinh tại Trung tâm nghề cá lớn Đông Nam Bộ.

Hàng loạt các giải pháp phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản được Thành phố triển nhằm hướng đến mục tiêu đưa Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm lớn về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản lớn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần đảm bảo an sinh, tạo sinh kế lâu dài lâu dài và bền vững cho người dân địa phương.

Nguồn: https://vungtau.baria-vungtau.gov.vn/tin-tuc-noi-bat/-/view-content/505709/vung-tau-phat-trien-ben-vung-nganh-thuy-san