POST ITEM

NHỮNG LƯU Ý GHE TÀU ĐÁNH CÁ KHI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN TRÊN BIỂN VÀ TẠI CÁC CẢNG CÁ

Những lưu ý ghe tàu đánh cá khi hoạt động khai thác hải sản trên biển và tại các cảng cá.

—–

Ngành khai thác thủy sản của nước ta trước đây được gọi là nghề cá nhân dân, Theo đó, hoạt động khai thác hải sản trên biển được khuyến khích mọi người tham gia, và việc kiểm tra, giám sát còn nhiều lỏng lẻo. Khi đó, công việc quản lý của cơ quan nhà nước và của các Ban quản lý cảng cá chủ yếu tập trung vào các nội dung: Kiểm tra hồ sơ tàu cá, thiết bị an toàn tàu cá, ngư lưới cụ, giám sát tàu ra vào cảng. Từ mấy năm trở lại đây, ngành khai thác thủy sản đã được chuyển sang yêu cầu là “ khai thác có trách nhiệm”. Từ đó, các ghe tàu khai thác thủy sản phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản trên biển và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt cả trong quá trình hoạt động khai thác hải sản trên biển cũng như vào các cảng cá, đặc biệt là phải chấp hành tốt Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật có liên quan.

 

Ngày 4/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện gửi đến người đứng đầu của các tỉnh, thành ven biển, với 10 nội dung, trong đó có nội dung yêu cầu yêu cầu các địa phương “Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia”. Tại công điện này, ở nội dung thứ bảy, có nêu: “Thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm.

 

Xác minh, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS theo quy định, vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định.

Điều tra, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác.

Tích cực nắm thông tin tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, thu thập các chứng cứ, tài liệu liên quan tại các nước để cung cấp cho lực lượng chức năng trong nước điều tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

Khẩn trương củng cố, truy tố xét xử hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài

          Để bà con ngư dân nắm được các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung nói trên, chúng tôi lưu ý như sau:

Ngày 18/01/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực từ ngày 04/3/2022 (từ ngày 04/3/2022, Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hết hiệu lực thi hành). Theo đó, việc ghi, nộp nhật ký khai thác thuỷ sản; giám sát việc bốc dở thuỷ sản qua cảng, biên nhận nhận thuỷ sản bốc dỡ qua cảng nay được quy định như sau:

  1. Về ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản

Thuyền trưởng tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên hằng ngày phải ghi nhật ký khai thác thủy sản theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT; nộp nhật ký khai thác thủy sản cho tổ chức quản lý cảng cá trước thời điểm bốc dỡ thủy sản.

Nhật ký khai thác thủy sản được ghi bằng bản giấy có chữ ký của thuyền trưởng hoặc nhật ký điện tử có mã định danh theo từng tàu cá do đơn vị cung cấp thiết bị cài đặt và số thứ tự chuyến biển trong năm tự động cập nhật.

Nhật ký khai thác thủy sản bản điện tử; Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác bản điện tử theo đúng mẫu quy định được sử dụng làm căn cứ để xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác.

  1. Về ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản đối với tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản

Thuyền trưởng tàu thu mua, chuyển tải thủy sản hằng ngày phải ghi nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản theo Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT; nộp nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản cho tổ chức quản lý cảng cá trước thời điểm bốc dỡ thủy sản.

Nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản được ghi bằng bản giấy có chữ ký của thuyền trưởng hoặc nhật ký điện tử có mã định danh theo từng tàu cá do đơn vị cung cấp thiết bị cài đặt và số thứ tự chuyến biển trong năm tự động cập nhật.

  1. Về giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng

Cần chú ý quy định “Trường hợp tàu cá nằm trong danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp thì bố trí cho tàu cá cập cảng và thông báo cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định”.

Trường hợp phát hiện sản lượng thủy sản bốc dỡ thực tế sai lệch trên 20% so với sản lượng khai báo trước khi cập cảng thì lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.    

NHỮNG LƯU Ý GHE TÀU ĐÁNH CÁ KHI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN TRÊN BIỂN VÀ TẠI CÁC CẢNG CÁ

 Hiện nay, các cảng cá của Công ty CP Dịch vụ Hậu cần Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu, đã bố trí nhân lực trực tại cảng cá 24/7 để hướng dẫn, giúp đỡ chủ tàu, bà con ngư dân trong việc ghi, nộp nhật ký; đồng thời, chúng tôi cũng  hỗ trợ bà con ngư dân khi có những thắc mắc, yêu câu đột xuất liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản. Nếu quý khách hàng có nhu cầu, xin đừng ngần ngại liên hệ với các cảng cá của chúng tôi. Chắc chắn quý khách hàng sẽ không phải thất vọng.